Ô nhiễm môi trường ở miền núi
Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của nhiều địa phương. Nếu như người dân đô thị phải đối mặt với tình trạng tồn ứ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, ô nhiễm không khí do khói, bụi… thì người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi đang phải “sống chung” với tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà vệ sinh, phân gia súc, ô nhiễm nguồn nước…
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo: Hằng năm có 2,2 triệu người tử vong (phần lớn là trẻ em), khoảng 15 giây có một đứa trẻ bị chết do các bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm gây ra.

Hiện nay, ở các vùng nông thôn, miền núi, nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt còn thiếu, nhiều nguồn nước chưa được xử lý, hệ thống giếng đào nhiều nơi gần ao hồ, đầm vùng nên nước có màu vàng đục như gạch cua, khi đun lên ở dưới đáy ấm thường có các lớp cặn lắng xuống, hơn nữa lưu lượng nước ở các giếng này rất thấp. Ông Bùi Hữu Nam, xã Lương Nội, huyện Bá Thước cho biết: Nhà tôi đào giếng sâu 20m nhưng lượng nước rất ít không đủ dùng, mùa hè thường phải sang những nhà khác gánh nước về dùng. Còn ông Bùi Việt Ngần, thôn Cộn, xã Hạ Trung nói: “Nhà tôi cũng dùng nước giếng nhưng trữ lượng nước rất ít chỉ đủ dùng cho hai đến ba người thôi, nếu nhà có khách thì không có đủ nước để tắm giặt đâu. Nước ở đây có màu đục, chúng tôi dùng trực tiếp không qua xử lý gì”.
Qua tìm hiểu một số bản ở Bá Thước đều thấy người dân ở đây dùng nước giếng và nước suối. Những gia đình nào ở xa sông suối phải đào giếng, nhưng do độ dốc cao nên lượng nước giếng ít không đủ dùng, nước uống thường lợ, khó uống. Có rất nhiều thôn, bản người dân dùng nước giếng nhưng giếng lại đào cạnh các chuồng gia súc, gia cầm như trâu, bò, dê, gà… rồi gần ao, hồ, nên nguồn nước thường bị ô nhiễm do chất thải của các loài gia súc, gia cầm và mạch nước từ ao, hồ chảy sang.
Ngoài ra, ở các vùng nông thôn, miền núi còn chịu sự ô nhiễm do tập quán sinh hoạt, nấu ăn, chất thải của các loại gia súc, gia cầm thả rông, các loại thuốc trừ sâu, nghĩa địa, bãi chôn lấp chất thải của trạm xá… Từ đó vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây ra các bệnh về đường hô hấp (khó thở, các bệnh về phổi), tiêu hoá (kiết lị, tiêu chảy), các bệnh phụ khoa và bệnh về mắt (mắt hột, toét mắt, mù loà)…
Các địa phương có đông đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống đều chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tình trạng thả rông gia súc quanh nhà còn rất phổ biến. Tình trạng này đã tồn tại rất lâu ở các địa phương nói trên, người dân ở đây cụ thể là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã quen với cách sinh hoạt như vậy. Không nói cũng biết, môi trường sống ô nhiễm, giúp các loại bệnh tật dễ phát sinh, đe dọa cuộc sống của người dân. Vấn đề này chính quyền địa phương biết rõ và đã có những quan tâm nhất định nhưng hiệu quả về lâu dài là chưa cao.
Ông Hồ Hữu Đức, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã Đức Bình, huyện Tánh Linh cho biết: “Cứ đến mùa hè chính quyền xã lại phối hợp với đoàn viên thanh niên của xã và trường học đến thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thực hiện công việc dọn dẹp vệ sinh môi trường”. Thực tế thấy rằng, biện pháp này chỉ làm sạch môi trường khoảng một tuần rồi lại “đâu vào đấy”, rác thải lâu ngày, phân gia súc, nước thải sinh hoạt lại xuất hiện trong thôn xóm. Ông Đức cho biết, hiện xã Đức Bình đang chuẩn bị xây một hầm cầu chung khá lớn ở đầu thôn đồng bào dân tộc thiểu số nối ống với các nhà tiêu của mỗi hộ dân. Làm như vậy thì mỗi nhà dân chỉ cần xây một nhà tiêu hết sức đơn giản, đỡ tốn kém. Tuy nhiên để vận động được phần lớn đồng bào xây nhà tiêu là rất khó, hiện cả thôn có tới 400 hộ dân nhưng các nhà vệ sinh thì chỉ có vài hộ. Môi trường sống ở vùng vao Đông Giang, Đông Tiến huyện Hà Thuận Bắc, hay Mỹ Thuận, Hà Thuận Nam… cũng không có nhiều sự khác biệt. Vẫn còn đó những chuồng dê, chuồng bò nằm sát bên nhà, các đàn heo đen nuôi tự do đi khắp xóm kiếm ăn. Phân chuồng ở đây chưa được bà con tận dụng tốt, chủ yếu là người dưới xuôi lên mua. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã thực sự thay đổi nhiều trong vài năm trở lại đây. Nhưng vấn đề vệ sinh môi trường vẫn chưa được đảm bảo.
Sự quan tâm lỏng lẻo của các cấp chính quyền
Một thực trạng hiện nay là dường như chính quyền, các cơ quan chức năng ở các địa phương nông thôn, miền núi chỉ tập trung vào các vấn đề lớn như xoá đói giảm nghèo, sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng… mà ít quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng (một việc làm rất cần thiết để chủ động phòng bệnh chứ không phải để phát bệnh, phát dịch rồi mới lo chữa chạy). Việc xây dựng hố xí, bể Bioga, nhà tắm, chuồng trại trâu bò xa nhà ở, phát quang, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh… tuy cũng được các địa phương phát động, nhiều địa phương ở vùng nông thôn đã có sáng kiến đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào các hương ước, quy ước của làng bản, thành lập các đội gom rác thải, vệ sinh nông thôn (do dân đóng góp để trả thù lao) có nơi quy định ngày làm vệ sinh thôn xóm, góp công, hỗ trợ luân phiên giữa các hộ xây dựng hố xí, hầm khí Bioga, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, dẫn nguồn nước sạch về thôn bản… song chưa thành một phong trào thu hút toàn dân tham gia. Còn phần lớn các địa phương đặc biệt là vùng miền núi, vùng dân tộc, phát động xong rồi bỏ đó, không giám sát, đôn đốc thường xuyên nên “chìm đi”, “đâu lại về đấy”, không mang lại hiệu quả gì.
Trước thực trạng báo động về dịch bệnh xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua, rất mong các địa phương, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm đúng mức hơn nữa đến vấn đề vệ sinh, ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn, vùng núi; tiếp tục nâng cao nhận thức về môi trường cho đồng bào; cần có những biện pháp thích hợp, cụ thể, thiết thực để người dân nông thôn, vùng núi tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào tham gia làm cho môi trường ngày càng trong sạch nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng và phát triển chính quyền một cách toàn diện, vững mạnh.